Sữa mẹ đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo là thứ căn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nên cho bú trong vòng một giờ đầu sau khi sinh. Trẻ được khuyến khích bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, sau 6 tháng tiếp tục cho trẻ bú và kết hợp với ăn dặm. Dưới đây là 11 lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, trong quá trình cho con bú có thể các bà mẹ sẽ gặp một số vấn đề gây trở ngại.Dưới đây là các vấn đề thường gặp và cách xử trí.
1. Núm vú phẳng và tụt vào trong
Bình thường núm vú nhô cao lên bề mặt. Khi mang thai, vú phát triển to hơn, núm nhô hẳn lên. Núm vú phẳng hoặc tụt vào trong thường không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng sẽ khiến việc cho con bú gặp nhiều khó khăn. Tụt núm vú kéo dài khiến sữa bị tích đọng trong vú gây ra hiện tượng tắc ống dẫn sữa dẫn đến viêm vú.
Giải pháp: Kéo dãn 2 bên quầng vú để núm vú lồi ra, sau đó nhẹ nhàng kéo đầu vú và quầng vú lên, hoặc sử dụng các dụng cụ hút núm vú. Lưu ý cần mua tại các cơ sở uy tín và đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng.
2. Đau núm vú
Thường xảy ra trong những phút đầu của cử bú. Nếu đau nhức núm kéo dài suốt cử bú thì cần lưu ý nguyên nhân căng nứt núm do trẻ ngậm bắt núm không đúng cách.
Giải pháp: Cho trẻ ngậm bắt núm vú đúng, nhận biết khi: miệng trẻ mở rộng, ngậm sau vào quầng vú, môi dưới hướng ra ngoài, cằm trẻ chạm vào vú mẹ, quầng đen vú ở phía trên nhìn thấy nhiều hơn phía dưới.
3. Cương tức vú
Các bà mẹ sẽ thấy vú nặng, phù nề, cứng, căng tức, đặc biệt núm vú bóng, đỏ. Nguyên nhân thường do nhiều sữa, không cho trẻ bú ngay sau sinh, ngậm bắt vú kém, trẻ bú không thường xuyên, thời gian cử bú ngắn. Vú cương tức có thể khiến bé gặp khó khăn khi bú mẹ vì ngực bị cứng và phồng lên, không phù hợp với kích thước miệng trẻ.
Giải pháp:cho trẻ bú ngay sau sinh, cho bú thường xuyên, đảm bảo trẻ ngậm bắt núm tốt, vắt sữa bằng tay hoặc dùng bơm hút sữa, xoa bóp vú nhẹ nhàng, giúp bà mẹ nghỉ ngơi thư giãn.
4. Tắc ống dẫn sữa và viêm vú
Tắc ống dẫn sữa là trường hợp đường dẫn sữa bị nghẽn, sữa không chảy ra ngoài được, sữa ứ lại có thể dẫn đến viêm vú không nhiễm trùng và viêm vú nhiễm trùng. Khi ống dẫn sữa tắc, các bà mẹ sẽ có triệu chứng: nổi cục, căng vú, đỏ khu trú 1 vùng vú, không sốt, vẫn khỏe mạnh. Nếu để lâu các triệu chứng sẽ diễn tiến nặng thành viêm vú: sưng tấy, đau vú, đỏ lan rộng hơn, kèm sốt và mệt mỏi. Nguyên nhân thường do cho con bú quá ít hoặc không thường xuyên, trẻ ngậm bắt núm kém, mặc áo ngực bó chặt, lưu thông đường dẫn sữa kém, tổn thương mô vú, vệ sinh không kĩ khiến vi khuẩn xâm nhập đầu vú.
Giải pháp: cho trẻ bú thường xuyên, đảm bảo ngậm bắt núm tốt, mặc áo thoải mái, đặt túi ấm và massage nhẹ vú. Nếu tình trạng không giảm hoặc diễn tiến nặng hơn, cần đến bác sĩ thăm khám.
5. Không đủ sữa cho bé
Mẹ cần cung cấp đủ lượng sữa cho trẻ để đáp ứng nhu cầu, phát triển cân nặng đúng với độ tuổi.Điều đặc biệt là bé bú nhiều thì cơ thể mẹ sẽ kích thích tiết ra nhiều sữa hơn.
Giải pháp: cho con bú sớm ngay sau sinh, cho trẻ bú nhiều lần, bú đúng cách, cho con bú thường xuyên, bú hết sữa một bên rồi mới đổi sang vú bên kia để kích thích phản xạ tiết sữa và phun sữa.Dùng tay nhẹ nhàng massage vú, uống nhiều nước và ăn uống lành mạnh giúp làm tăng lượng sữa mẹ.Nếu không có điều kiện cho con bú thì nên vắt sữa thường xuyên để kích thích vú tạo sữa, duy trì nguồn sữa.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về dịch vụ của trung tâm bác sĩ gia đình tại đây: https://bsgiadinh.vn/kham-benh-tai-nha/
Hoặc có thể gọi ngay số điện thoại sau để được tư vấn trực tiếp.