HCT là một xét nghiệm máu, HCT viết tắt cho hematocrit, những khái niệm và định nghĩa về xét nghiệm này sẽ được giới thiệu dưới đây.
1. Xét nghiệm hematocrit máu (HCT) là gì?
Xét nghiệm hct máu được dùng để xác định phần trăm của hồng cầu trong máu. Máu được tạo thành bởi chủ yếu là những tế bào hồng cầu và bạch cầu nằm trong một dung dịch gần như trong suốt được gọi là huyết thanh. Xét nghiệm hematocrit cho thấy phần trăm thể tích của máu được tạo thành bỏi những tế bào hồng cầu. Xét nghiệm này có thể phản ánh tình trạng có ít hồng cầu trong máu – được gọi là “thiếu máu”. HCT cũng là một xét nghiệm cơ bản có thể cho bác sĩ biết nhiều thứ về sức khỏe của bệnh nhân.
2. Hematocrit được đo lường như thế nào?
Đối với đa số phòng xét nghiệm, hct được đo bằng một loại máy có thể tự động thực hiện được nhiều xét nghiệm khác nhau thuộc một bộ được gọi là xét nghiệm công thức máu (tổng phân tích tế bào máu). Công thức máu là một loạt những xét nghiệm như hematocrit, nồng độ hemoglobin, cũng như số lượng 3 loại tế bào máu được tạo ra bởi tủy xương (hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu).
Một phương pháp đơn giản khác dùng để đo hematocrit là phương pháp đo bằng máy ly tâm. Một lượng nhỏ máu (khoảng 0.05 đến 0.1ml) được đặt vào trong một ống mao dẫn nhỏ. Ống này sẽ được bịt kín bằng sáp hay đất sét, và sau đó được đặt vào một máy quay ly tâm. Những tế bào hồng cầu sẽ dồn lại ở đáy ống và tạo thành một cột hồng cầu phân tách với 1 cột huyết thanh có màu vàng tro ở phía trên bằng một lớp mỏng tạo bởi những tế bào bạch cầu. Chiều cao của toàn bộ máu trong ống (hồng cầu, bạch cầu và huyết thanh tương đương với 100%). Chiều cao của cột hồng cầu chia cho chiều cao của toàn bộ dịch trong ống mao dẫn bằng với hematocrit (% của hồng cầu trong máu toàn phần). Xét nghiệm này có thể được thực hiện trong vài phút.
3. Xét nghiệm HCT diễn ra như thế nào?
Trong khi thực hiện xét nghiệm, một nhân viên y tế sẽ lấy mẫu máu từ một tĩnh mạch ở cánh tay của bạn, sử dụng một kim nhỏ. Sau khi kim được đưa vào, một lượng nhỏ máu sẽ được thu vào trong một ống nghiệm. Bạn có thể cảm thấy đau nhẹ khi kim được đâm vào hay rút ra. Điều này thường kéo dài ít hơn 5 phút.
4. Liệu tôi có cần làm gì để chuẩn bị trước xét nghiệm?
Bạn không cần chuẩn bị gì đặc biệt trước khi làm xét nghiệm HCT. Nếu bác sĩ chỉ định thêm những xét nghiệm khác trên mẫu máu của bạn, bạn có thể cần nhịn ăn vài tiếng trước khi làm xét nghiệm. Bác sĩ sẽ cho bạn biết liệu có chỉ dẫn đặc biệt nào bạn cần làm theo không.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về dịch vụ Khám bệnh tại nhà của trung tâm Bác sĩ gia đình tại đây: Khám bệnh tại nhà.
Hoặc có thể gọi ngay số điện thoại sau để được tư vấn trực tiếp.
5. Có những nguy cơ nào đối với xét nghiệm?
Có rất ít nguy cơ khi làm xét nghiệm máu. Bạn có thể bị đau nhẹ hay bầm tại nơi kim được đưa vào, nhưng đa số những triệu chứng sẽ biến mất nhanh chóng.
6. Kết quả hematocrit bình thường là bao nhiêu?
Giá trị bình thường đối với xét nghiệm hct phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính, độ cao nơi người được thực hiện xét nghiệm sinh sống, và thậm chí có thể khác biệt chút ít đối với những phương pháp xét nghiệm khác nhau. Dưới đây là những khoảng giá trị bình thường của hct thường được áp dụng:
- Trẻ sơ sinh: 55%-68%
- Một tuần tuổi: 47%-65%
- Một tháng tuổi: 37%-49%
- Ba tháng tuổi: 30%-36%
- Một năm tuổi: 29%-41%
- Mười năm tuổi: 36%-40%
- Nam giới trưởng thành: 42%-54%
- Nữ giới trưởng thành: 38%-46%
- Nữ giới trưởng thành đang mang thai: khoảng 30% – 34% đối với giới hạn dưới và 46% đối với giới hạn trên
- Những người sống ở vùng cao: khoảng 45% – 61% đối với nam giới; 41% – 56% ở nữ giới (kết quả hct trung bình tăng dần khi độ cao nơi người được làm xét nghiệm tăng dần. Điều này là kết quả của việc tăng dần nhu cầu đối với khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu khi độ cao nơi sinh sống tăng, khiến cho nồng độ oxy trong khí quyển giảm xuống).
Những giá trị này có thể thay đổi đối với những trung tâm y tế hay cơ sở nghiên cứu khác lên đến 7%. Do đó, điều tốt nhất là để chính bác sĩ giải thích mức độ hct của một người là thấp, cao hay bình thường và điều đó có ý nghĩa gì.
7. HCT thấp có ý nghĩa gì?
Hematocrit thấp có nghĩ rằng phần trăm của hồng cầu trong máu thấp hơn giới hạn dưới bình thường đối với lứa tuổi, giới tính hay điều kiện nhất định (như mang thai, sống ở vùng cao) của người được thực hiên xét nghiệm. Một cách nói khác của hematocrit thấp là thiếu máu. Nguyên nhân của hematocrit thấp, hay thiếu máu, bao gồm:
- Chảy máu (từ những vết loét, chấn thương, ung thư đại tràng, xuất huyết nội).
- Sự phá hủy hồng cầu (thiếu máu hồng cầu hình liềm, lách to).
- Giảm sản xuất hồng cầu (suy tủy xương, ung thư, các loại thuốc).
- Những vấn đề về dinh dưỡng (thiếu sắt, vitamin B12, folate và suy dinh dưỡng).
- Thừa nước (uống nhiều nước, thừa nước do truyền tĩnh mạch quá mức).
8. Hematocrit cao có ý nghĩa gì?
Hct cao có nghĩa là phần trăm những tế bào hồng cầu trong máu của người được làm xét nghiệm cao hơn giới hạn trên của khoảng bình thường đối với tuổi tác, giới tính hay điều kiện cụ thể (như mang thai, sống ở vùng cao) của người đó. Những nguyên nhân khiến hematocrit cao bao gồm:
- Thiếu nước (nhiệt độ quá cao, thiếu nước để uống).
- Sự thiếu hiện diện của oxy (hút thuốc lá, nơi sống cao, xơ hóa phổi).
- Di truyền (những bệnh tim bẩm sinh).
- Tăng hồng cầu thứ phát (sự sản xuất quá mức hồng cầu do tủy xương hay bệnh tăng hồng cầu vô căn).
- Bệnh tâm phế mạn (COPD, ngưng thở khi ngủ mạn tính, thuyên tắc phổi).
9. Hct cao hay thấp sẽ được điều trị như thế nào?
Điều trị hematocrit cao hay thấp phụ thuộc vào nguyên nhân nền, mức hematocrit và tình trạng sức khỏe chung của cá nhân đó. Đa số bệnh nhân không được điều trị với thuốc hay những thủ thuật khác nếu hct chỉ hơi cao hay thấp hơn so với mức bình thường.
Một số bệnh nhân có hct quá thấp có thể cần được truyền sắt đường tĩnh mạch, truyền máu hay thuốc để kích thích sự sản xuất hồng cầu của tủy xương.
Một số bệnh nhân có hct quá cao do những bệnh khác nhau, như tăng hồng cầu, có thể cần được trích máu (loại bỏ bớt máu).
Bác sĩ sẽ quyết định xem mỗi bệnh nhân cụ thể cần thuốc hay thủ thuật nào. Nhìn chung, giá trị hematocrit bất thường được theo dõi bởi bác sĩ bằng xét nghiệm máu thường quy.