Đại cương về hoạt động thần kinh cấp cao
Khái niệm về hoạt động thần kinh cấp cao và ý nghĩa của sinh lý hoạt động thần kinh cấp cao
Hệ thần kinh trung ương có 5 chức năng: cảm giác, vận động, giác quan, thực vật, tư duy. Thực hiện 5 chức năng này hệ thần kinh trung ương nhằm điều hòa, phối hợp chức năng của các cơ quan trong cơ thể, đồng thời bảo đảm cho cơ thể thích ứng được với những điều kiện của môi trường sống luôn biến động hay bảo đảm được mối quan hệ phức tạp giữa cơ thể với thế giới bên ngoài, vấn đề này được I.p. Pavlov – người phát minh học thuyết phản xạ có điều kiện hay học thuyết hoạt động thần kinh cấp cao, gọi là hoạt động thần kinh cấp cao hay hoạt động tinh thần. Hoạt động của hệ thần kinh trung ương nhằm điều hòa và phối hợp chức năng của các cơ quan trong cơ thể được Pavlov gọi là hoạt động thần kinh cấp thấp.
Hoạt động thần kinh cấp cao được thực hiện dựa trên cơ sở các phản xạ có điều kiện, còn hoạt động thần kinh cấp thấp được thực hiện trên cơ sở các phản xạ không điều kiện.
Các phản xạ không điều kiện là các phản xạ bẩm sinh, được di truyền, mang tính chất của loài, tương đối ổn định trong suốt đời sống của cá thể, là phản xạ phát sinh khi có kích thích thích ứng tác động lên các trường thụ cảm nhất định. Ví dụ: phản xạ mút (bú) ở các động vật có vú là phản xạ không điều kiện.
Các phản xạ có điều kiện là các phản xạ tập nhiễm được trong đời sống của cá thể, mang tính chât của cá thể, có thể bị mất đi khi điều kiện tạo ra nó không còn nữa, là phản xạ có thể được hình thành với các loại kích thích khác nhau tác động lên các trường thụ cảm khác nhau. Kỹ năng cưỡi xe đạp của khi hay gấu trên sân khấu xiếc là một ví dụ về phản xạ có điều kiện.
Có nhiều phản xạ không xuất hiện ngay sau khi sinh, nhưng chúng không phải là phản xạ có điều kiện, mà là phản xạ không điều kiện. Ví dụ: các phản xạ vận động, các phản xạ sinh dục, chúng chi xuất hiện ở động vật và người qua một thời gian dài sau khi sinh, nhưng chúng nhất định phải xuất hiện trong điều kiện hệ thần kinh phát triển bình thường, các phản xạ này được củng cố trong quá trình phát triển chủng loại và được di truyền.
Trong hoạt động sống của động vật có những hoạt động không phải là phản xạ không điều kiện, cũng không phải là phản xạ có điều kiện, mà là một chuỗi các phản xạ không điều kiện và có điều kiện nối tiếp nhau. Ví dụ: toàn bộ các phản ứng có liên quan đến hoạt động sinh dục, sinh sản của loài chim, gồm phản xạ giao phối giữa con chim trống và con mái, phản xạ làm tổ, đẻ trứng, ấp trứng, tìm mồi nuôi con, tập cho chim con bay… đó là một chuỗi phản xạ và được gọi là bản năng. Bản năng cũng được . củng cố trong quá trình phát triển chủng loại và phát triển cá thể. Các phản xạ có điều kiện được hình thành trên cơ sổ các phản xạ không điều kiện. Để thành lập được phản xạ có điều kiện cần phải có sự trùng hợp về thời gian xuất hiện giữa sự biến đổi nào đó của môi trường bên ngoài hay sự sự biến đổi trạng thái bên trong của cơ thể với một phản xạ không điều kiện nào đó. Ví dụ, tiếng va chạm chén đĩa, thìa nĩa có thể làm cho ta tiết nước bọt (khi đói), vì những âm thanh này thường xuất hiện ngay trước bữa ăn. Như vậy, tiếng va chạm của chén đĩa, thìa nĩa đã trở thành kích thích có điều kiện hay tín hiệu có điều kiện và có tác dụng gây tiết nước bọt, còn kích thích gây tiết nước bọt do thức ăn thì được gọi là kích thích không điều kiện. Kích thích bắt buộc phải đi kèm với kích thích có điều kiện để củng cố nó, và do đó mới hình thành được phản xạ có điều kiện.
Các phản xạ có điều kiện có ý nghĩa sinh học rất lớn. Chúng bảo đảm cho cơ thể thích ứng một cách hoàn thiện đối với môi trường bên ngoài. Thực vậy, các phản xạ không điều kiện như phản xạ dinh dưỡng, phản xạ tự vệ và nhiều phản xạ không điều kiện khác chi xảy ra khi kích thích thích ứng tác dụng trực tiếp lên từng nhóm thụ thể nhất định. Trong khi đó, các phản xạ có điều kiện lại được gây ra do tác dụng của các tác nhân trước đó là các kích thích không có liên quan gì với phản ứng được gây ra. Nhờ phối hợp với phản xạ không điều kiện mà các kích thích không liên quan (còn gọi là kích thích vô quan) đã trở thành tín hiệu báo trước phản ứng không điều kiện sắp xảy ra. Điều này cho phép con vật hay con người kịp thời chuẩn bị để thực hiện phản ứng cần thiết. Như vậy, các phản xạ có điều kiện làm cho người và động vật thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm thức ăn, kịp thời lẩn tránh tai nạn sắp xảy ra, và định hướng chính xác về không gian cũng như thời gian.
Việc phát hiện những qui luật hoạt động của não bộ trong hoạt động phản xạ có điều kiện, hay nói cách khác, sự hình thành học thuyết hoạt động thần kinh cấp cao có thể được xem như là một thành tựu vĩ đại của khoa học, sinh học, y học, giáo dục học…
Sinh lý hoạt động thần kinh cấp cao cung cấp cho triết học nhiều chứng minh khoa học về các nguyên lý chung của duy vật biện chứng, thiên nhiên tồn tại khách quan ngoài ý thức con người và ý thức chi là sự phản ánh của tồn tại khách quan, tư duy là sản phẩm của vật chất có tổ chức cao, là sản phẩm của bộ não con người. Sinh lý hoạt động thần kinh cấp cao cũng cung cấp cho tâm lý học những kiến thức về cơ sở của quá trình tư duy, cho phép hiểu được tâm trạng của con người, vừa có các biểu hiện khách quan, vừa có các biểu hiện chủ quan, chứ không phải chi có các biểu hiện chủ quan. Sinh lý hoạt động thần kinh cấp cao cung cấp cho ngành sinh học những hiểu biết về quá trình tiến hóa của thế giới động vật, về sự biến đổi tập tính và sự thích nghi của động vật với những điều kiện sống luôn luôn thay đổi. Khoa học giáo dục cũng tìm thấy trong sinh lý hoạt động thần kinh cấp cao các cơ chế sinh lý, để giải thích các qui luật của giáo dục học, biết được sự khác biệt về tính khí và khả năng của từng người, do đó tìm được những phương pháp giáo dục phù hợp với từng cá thể.
Riêng đối với y học, sinh lý hoạt động thần kinh cấp cao có một vai trò rất đặc biệt và có mối quan hệ rất chặt chẽ. Trong các ngành khác nhau của y học, sinh lý hoạt động thần kinh cấp cao có quan hệ gần nhất đối với các khoa thần kinh và tâm thần. Đối với các bệnh thần kinh – tâm thần, người thầy thuốc trước hết phải biết được cơ chế của căn bệnh, phải hiểu được người bệnh. Sau đó người thầy thuốc cần phân biệt được nhận định của người bệnh về bệnh trạng của họ và thực trạng của bệnh, phải tìm hiểu được đặc điểm cá thể của người bệnh. Từ đó mới có thể đề ra được cách điều trị hợp lý. Qua hệ thống tín hiệu thứ hai, bằng cách trao đổi với người bệnh, người thầy thuốc trong nhiều trường hợp có thể làm cho bệnh nhân đỡ lo lắng, và đó cũng là cách giúp cho cơ thể chóng hồi phục.